Bạn có bất kỳ câu hỏi nào ? 093 666 5133 ungdungyhoc@gmail.com
23 JANUARY 2019

TRẺ NGÃ ĐẬP ĐẦU CÓ THỂ BỊ ĐỘNG KINH

Lúc 3h sáng, nghe tiếng đạp mạnh xuống giường, bà Miên (50 tuổi, Hà Tây) lại tỉnh giấc lay cậu con trai 10 tuổi mắc bệnh động kinh, hỏi mà lòng như thắt lại: "Con có sao không?" 

Hồi cháu được 6 tháng tuổi, bà cho ngồi trên xe đạp chơi, không cẩn thận nên bị ngã lộn nhào xuống đất. Cháu ngất đi một lúc rồi tỉnh lại, lúc đấy gia đình nghĩ chắc là không sao.

Nhà nghèo hai vợ chồng nai lưng ra làm việc vì thế bà cũng không biết lúc nhỏ con có biểu hiện gì khác thường. Chỉ đến khi cháu lên 7, bà thấy cháu đang học bài tự nhiên lả rồi ngất đi. Mấy lần như thế, sợ con bị làm sao bà mới lặn lội đưa con lên tận Hà Nội khám thì biết cháu mắc bệnh động kinh, nguyên nhân có thể do cú ngã đập đầu khi nhỏ.

Câu chuyện trên được bà Miên chia sẻ trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cha mẹ bệnh nhân động kinh sáng nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Tiến sĩ Ninh Thị Ứng, Trưởng khoa Thần kinh, trẻ bị bệnh động kinh không hề hiếm gặp. Hàng năm bệnh viện có 800-900 trẻ nằm viện. Số điều trị ngoại trú nhiều gấp 4 lần.

https://lh4.googleusercontent.com/-GUPzgW2GDY8/VY5sI6mP8nI/AAAAAAAAA7A/3IZpU1llVP4/s320/dk1-1351753537_500x0.jpg

Động kinh là một bệnh lý với những cơn co giật xảy ra đột ngột, tái phát. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh như: xuất huyết não, sốt cao co giật, nhiễm trùng thần kinh, rối loạn mạch máu não, di truyền, chấn thương sọ não... Tuy nhiên có đến hơn một nửa số bệnh nhân không rõ nguyên nhân.

Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được điều trị để cắt hoặc giảm những cơn co giật kéo dài có thể khiến trẻ chậm phát triển tâm lý, vận động. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm. Khi trẻ có cơn co giật đầu tiên nếu được điều trị sớm thì khả năng trẻ bị cơn co giật tiếp theo là 24%, và 82% có thể khỏi sau 1 năm.

Khi trẻ có những biểu hiện như mắt nhìn ngược, co giật tay, chân, run giật nửa người hay toàn thân, ưỡn cứng người, tím ngắt, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ở các chuyên khoa thần kinh, tiến sĩ Ứng cho biết.

Tuy nhiên có những trẻ lên cơn co giật nhưng không rung lên bần bật mà chỉ đơn giản đang chơi tự nhiên mắt trẻ lờ đờ, đi quay một vòng vô ý thức hoặc ngất đi. Và chỉ một lúc trẻ lại có thể hồi phục bình thường, vì thế nếu không để ý, nhiều bậc cha mẹ có thể bỏ qua những biểu hiện này.

Bà Ứng cũng cho biết, cha mẹ cần ghi lại hình cơn co giật của trẻ để giúp bác sĩ chẩn đoán đúng loại co giật và cho thuốc điều trị chính xác. Đây là cách điều trị tối ưu nhất, vì mỗi kiểu co giật lại đáp ứng khác biệt nhau đối với các thuốc chống động kinh.

Khi trẻ được điều trị ngoại trú tại nhà, cha mẹ cần lưu ý một số điều: tuân thủ theo đúng điều trị hằng ngày, các thuốc điều trị phải theo giờ nhất định, thường là cách 12 giờ một lần. Không được tự ý cho trẻ bỏ thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ không nên dọa trẻ, tránh để con khóc dài, sợ hãi. Luôn tôn trọng, động viên, khuyến khích trẻ, nhưng cũng không nên bao bọc quá kỹ mà hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài, thay vì đó phải rèn cho trẻ tính tự lập.

"Đây không phải là bệnh bi quan với trẻ, nếu điều trị và quản lý tốt, trẻ có thể hòa nhập cuộc sống, sinh hoạt như bình thường. Điều quan trọng là cha mẹ phải hết sức kiên trì, không chỉ cho con uống thuốc đều đặn mà phải quan tâm đến tâm lý của trẻ", tiến sĩ Ứng nhấn mạnh.

Nam Hồng

 

 

Viết bình luận của bạn:
zalo