Bạn có bất kỳ câu hỏi nào ? 093 666 5133 ungdungyhoc@gmail.com
05 MARCH 2020

THẾ NÀO LÀ ĐỘNG KINH TOÀN THỂ CO CỨNG - CO GIẬT

1. Giai đoạn tiền triệu
Đa số bệnh nhân bị bệnh động kinh co cứng – co giật, cơn động kinh xảy ra không hề có biểu hiện gì trước đó. Một số ít bệnh nhân có thể có tiền triệu trước cơn vài ngày hoặc vài giờ. Triệu chứng trong giai đoạn này không có tính chất đặc hiệu, thường là các biểu hiện như thay đổi tính tình, bồn chồn, lo lắng sợ sệt, rối loạn giấc ngủ…
 
2. Triệu chứng thoảng qua (aura)
Ngay trước cơn động kinh vài chục phút đến một giờ, một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng báo cơn tồn tại ngắn trong vòng vài phút. Biểu hiện của aura rất đa dạng, có thể gọi là các triệu chứng vận động (aura vận động) hoặc cảm giác, giác quan, cảm xúc (aura cảm giác và aura cảm xúc),… Sau các triệu chứng aura cơn động kinh sẽ xuất hiện.
 
3. Các giai đoạn của cơn động kinh toàn thể co cứng – co giật
Cơn động kinh toàn thể co cứng co giật gồm có 3 giai đoạn chính là : Co cứng – co giật – co giật – doãi mềm. Cơn thường kéo dài khoảng 2-3 phút, hiếm khi dài quá 5 phút.
a) Giai đoạn co cứng
Các bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường bỗng hét lên một tiếng rất hoang dại (người ta gọi là tiếng thét khởi cơn), sau đó ngã vật ra và lên cơn động kinh. Ngay từ khi giai đoạn co cứng bắt đầu, hầu hết các bệnh nhân bị mất ý thức ngay. Vì vậy, họ không được tự chứng kiến cơn động kinh của mình. Trong giai đoạn này các cơ đột ngột co cứng, mắt mở to, nhãn cầu xoay lên trên, miệng há vừa phải, đầu quay về một bên, chân tay co, dạng nhẹ và xoay ra ngoài, đầu và chân đưa ra trước. Các cơ hô hấp cũng bị co cứng làm mặt bệnh nhân đầu tiên đỏ, sau đó chuyển sang tím tái (do cản trở tuần hoàn về tim và ngừng hô hấp). Ngoài ra còn có các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật (đồng tử dãn, không còn phản xạ với ánh sáng, mạch và huyết áp có thể tăng gấp đôi, áp lực trong bàng quang có thể gấp 6 lần bình thường gây thải niệu vô thức trong cơn, tăng tiết mồ hôi) ; sau đó là tư thế duỗi cứng, ưỡn toàn bộ cơ thể, miệng bệnh nhân đang mở bỗng cắn chặt lại đột ngột, có thể cắn vào má hoặc lưỡi. Giai đoạn co cứng kéo dài khoảng 20-30 giây.
 
 
b) Giai đoạn co giật
Tiếp theo giai đoạn co cứng là giai đoạn co giật các cơ toàn thân, hai tay hai chân co giật nhịp nhàng, lúc đầu nhịp chậm sau thành nhanh dần, cuối cơn giật thưa rồi ngừng hẳn, các cơ ở mặt cũng co giật, đầu bệnh nhân giật nhịp nhàng, mặt quay về một bên, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, sùi bọt mép theo các nhịp co giật, hai mắt trợn, đường kính đồng tử cũng thay đổi theo các nhịp co giật. Giai đoạn co giật này bệnh nhân cũng có nguy cơ cắn phải lưỡi và má, có thể bài niệu vô thức. Giai đoạn co giật này kéo dài khoảng 30-60 giây.
 
c) Giai đoạn doãi mềm
Sau khi ngừng co giật, các cơ doãi mềm, bệnh nhân vẫn mất ý thức, thở sâu, đồng tử hai bên dãn nhẹ, thở lọc xọc. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1 phút.
 
d) Giai đoạn sau cơn
Sau khi giai đoạn co giật kết thúc, bệnh nhân đi vào giấc ngủ, có thể gọi là giai đoạn ngủ sâu. Giai đoạn này dài ngắn khác nhau ở từng bệnh nhân, gọi hỏi bệnh nhân đáp ứng được, nhưng có thể lú lẫn trong vòng một vài phút, bệnh nhân thở sâu, thở lọc xọc. Khi tỉnh dậy (ý thức được phục hồi) bệnh nhân thấy người mỏi mệt rã rời, đau đầu, dễ cáu gắt, khám có thể thấy phản xạ gân xương tăng ở tứ chi, phản xạ Babinski (+) hai bên ; cũng có bệnh nhân sau khi hồi phục ý thức lại chuyển vào ngủ sâu và kéo dài.

Viết bình luận của bạn:
zalo