Bạn có bất kỳ câu hỏi nào ? 093 666 5133 ungdungyhoc@gmail.com
23 JANUARY 2019

MỘT SỐ KHÁI QUÁT VỀ BỆNH ĐỘNG KINH

Bệnh động kinh là gì

Động kinh là một chứng bệnh hệ thần kinh do xáo trộn lặp đi lặp lại của một số nơron trong vỏ não tạo nhiều triệu chứng rối loạn hệ thần kinh (các cơn động kinh) như co giật của bắp thịt, cắn lưỡi, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, bất tỉnh, mất kiểm soát tiểu tiện, hoặc gây cảm giác lạ. Cơn động kinh bao gồm các triệu chứng có thể thay đổi từ rất ngắn gọn và gần như không thể phát hiện đến các cơn động kinh thời gian dài với chấn động mạnh mẽ

Các triệu chứng biểu hiện cơn co giật động kinh khác nhau tùy vào vị trí xuất phát các cơn phóng điện.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến cơn co giật:
+ Chấn thương đầu ảnh hưởng não bộ trong lúc sinh đẻ,
+ Dị dạng mạch máu trong não,
+ Di chứng tổn thương viêm, nhiễm ký sinh trùng não bộ,
+ U não,
+ Chấn thương sọ não,
+ Di chứng sau tai biến mạch máu não,
+ Và các cấu trúc bất thường khác ở não bộ.

Tỷ lệ 0,4 – 0,5 % dân số. Một số bệnh nhân động kinh có các biểu lộ cảm xúc, tính cách, hành vi cư xử không ổn định và các triệu chứng tâm thần.

Chẩn đoán bệnh

Dựa trên các triệu chứng khá đặc trưng của từng loại cơn co giật. Người thân cần quan sát và mô tả đúng ngay từ khi bắt đầu xuất hiện. Dưới dây là một số thể loại cơn hay gặp:
+ Động kinh cơn lớn: đột ngột bất tỉnh, té ngã, thở rít lên, tay chân duỗi gồng cứng đờ, tím môi vì ngưng thở, hai hàm răng cắn chặt dễ chảy máu lưỡi. Tiếp theo là co giật các cơ, ép ngực khó thở, sùi bọt mép mắt nhấp nháy, tròng mắt trợn ngược, bớt co giật rồi ngưng hẳn. Sau đó bệnh nhân mê đi, gọi hỏi không biết nhưng dần dần tỉnh lại và không nhớ cơn co giật đã xảy ra ( có bệnh nhân ngủ say lúc tỉnh lại than đau đầu nhức mỏi ).
+ Cơn vắng ý thức: xảy ra nhanh, hay gặp ở trẻ em gái, thường do người thân phát hiện: tự nhiên nhìn đờ đẫn, sắc mặt tái, chép lưỡi nhai nuốt vài lần, rớt đồ đang cầm, nếu đang viết thì chữ xấu đi khó đọc. Không té ngã nhưng có thể giật tròng mắt. Có thể tự hết hay diễn tiến thành động kinh cơn lớn hoặc kết hợp cả hai. Sóng điện não đặc trưng với phức hợp mũi nhọn & sóng nhịp nhàng đồng bộ hai bán cầu.
Cơn vắng ý thức không điển hình ( kết hợp với loại cơn động kinh khác, hội chứng Lennox – Gastaut ) hay gặp ở trẻ em trai, di chứng trí tuệ kém và dễ thay đổi tính nết.
+ Hội chứng West: hay gặp ở trẻ nhỏ dưới một tuổi, nam nhiều hơn nữ: lúc thức giấc đột nhiên gục đầu gập than mình, hai tay duỗi ra trước rồi nhanh chóng tỉnh lại. Cơn xảy ra nhiều lần trong ngày, chậm khôn lớn rõ, điện não đồ hypsarrythmie đặc trưng.

+ Ngoài ra cần biết phân biệt các cơn co giật không động kinh ( tétanie, hạ đường huyết, sốt cao co giật ở trẻ em, ngộ độc một số loại hóa chất, …).

Những lưu ý cần biết về bệnh

+ Bệnh nhân động kinh có giảm sút trí tuệ hay không do tổn thương não bộ ảnh hường các trung khu thần kinh cao cấp.

+ Người bệnh động kinh lâu ngày dễ nổi giận, cộc tính và “ghét lâu, thù dai”, một số ít trường hợp có hành vi vô ý sau cơn co giật.

+ Chú ý phát hiện các bệnh lý cơ thể kèm theo vì bệnh nhân “không biết cách nói ra” và vì thói quen “xa cách” người động kinh.

+ Ở một số phụ nữ, cơn co giật động kinh có liên quan chu kỳ kinh nguyệt.

+ Theo dõi hiệu quả điều trị: số cơn co giật mỗi ngày, hay hàng tuần, hàng tháng và các biểu hiện cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân động kinh. Tạo điều kiện người bệnh sinh hoạt, giúp đỡ cùng làm việc phù hợp, tránh mặc cảm phân biệt đối xử.

+ Người thân phải hướng dẫn và giúp bệnh nhân tránh các yếu tố nguy cơ xuất hiện cơn co giật (sốt nhiễm trùng, rối loạn cảm xúc, xung đột gia đình, làm việc quá sức, lo âu mất ngủ, uống rượu, hút thuốc v.v… ).

Xử lý cơn co giật:

+ Nhanh chóng dùng vật dụng thích hợp đặt giữa 2 hàm răng tránh người bệnh cắn lưỡi, giữ đầu nghiêng sang một bên đồng thời nới lỏng quần áo người bệnh., trực tiếp giữ tư thế người bệnh thoải mái, không cố định quá chặt. Chuyển tới Khoa Cấp cứu bệnh viện gần nhất.

+ Không vắt nước chanh nhỏ vào miệng bệnh nhân vì không có tác dụng cắt cơn và nước chanh sẽ chảy vào khí quản gây khó thở. Hút, lau đàm nhớt. 

+ Theo dõi “trông chừng liên tục”, rất cần tiếp xúc thân mật ngay sau khi người bệnh ra khỏi cơn co giật vì lúc này người bệnh chưa tỉnh hẳn dễ có hành vi vô ý gây nguy hiểm và tạo ra cảm giác an toàn hết đau đớn sợ sệt và bất hạnh.

+ Nếu cơn co giật xảy ra liên tục (động kinh liên tục ) phải điều trị cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa và đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.

Viết bình luận của bạn:
zalo