Hơn 60% các ca bệnh động kinh nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ chữa khỏi. Tuy nhiên, do nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này, không điều trị, bỏ dở hoặc thậm chí đưa người bệnh đi cầu cúng, uống "thuốc thánh"... đã khiến bệnh nhân bị nặng lên rất nhiều.
Động kinh theo dân gian còn gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật. Đó là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lặp đi lặp lại.
Bệnh động kinh điều trị đúng sẽ ổn định không lên cơn và vẫn có thể học tập, làm việc một cách bình thường như người khoẻ mạnh khác. Không nên tự ti hay mặc cảm với căn bệnh của mình mà hãy tìm hiểu để có phương pháp điều trị bệnh thích hợp.
Theo TS - BS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương: “Nhiều người có quan niệm cho rằng động kinh là bệnh không chữa khỏi, không tiếp cận điều trị dẫn tới bỏ lỡ. Đặc biệt điều trị không kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng. Động kinh là bệnh mạn tính cần kiên trì điều trị, nhưng sai lầm của nhiều người là điều trị gián đoạn, thậm chí đang điều trị thuốc chống động kinh lại chuyển sang các bài thuốc lá, thuốc nam làm bệnh trở nặng, thậm chí gây ngộ độc cho cơ thể, nhiều bệnh nhân tự tiện tăng, giảm liều, quên uống thuốc hay tự ý đổi thuốc đã làm mất cơ hội khỏi bệnh”.
BS Cao Vũ Hùng khuyến cáo, có nhiều phương pháp điều trị động kinh như uống thuốc chống động kinh, phẫu thuật, thực hiện chế độ ăn kiêng… nhưng dùng thuốc chống động kinh là điều trị bắt buộc. Người bệnh cần phải được điều trị sớm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Tiên lượng của bệnh không phải là xấu, trên 60% bệnh nhi mắc động kinh kiểm soát được cơn và khỏi hoàn toàn sau liệu trình điều trị, chất lượng sống của người bệnh tốt. Còn khoảng 40% bệnh nhân động kinh nặng, tồn tại cơn dai dẳng, thậm chí kháng thuốc.
Lời khuyên hữu ích giúp điều trị bệnh động kinh theo hướng tích cực
Những điều bạn nên làm:
- Khi có những biểu hiện lâm sàng nghi ngờ bị động kinh nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh sớm.
- Nếu được chẩn đoán bị động kinh thì nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian, tuyệt đối không được bỏ thuốc, không tự ý đổi thuốc. Mọi thắc mắc đều phải hỏi bác sĩ điều trị bệnh của mình.
- Không tự ti với bệnh của mình, có chế độ ăn uống, luyện tập thích hợp.
- Bảo quản thuốc chống động kinh cẩn thận.
Những điều bạn không nên làm
- Không được chữa bệnh bằng bùa, phép từ các thầy lang, thầy bói vì điều này không những làm bệnh không thuyên giảm mà còn kéo dài thời gian được điều trị bệnh nên dẫn đến bệnh khó chữa.
- Không nên làm các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe, vận hành máy móc, công việc liên quan đến sông nước vì có nguy cơ xảy ra tai nạn chết người nếu bất chợt xảy ra cơn động kinh .
- Sống chừng mực, điều độ, không được làm việc, học tập quá mức, không sử dụng các chất kích thích. Người bệnh động kinh không nên xem tivi truyền hình, chơi vi tính quá lâu vì có thể làm cơn động kinh xuất hiện.