BỆNH ĐỘNG KINH - CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GIÚP MÌNH, GIÚP NGƯỜI
Cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và tạm thời của một nhóm các neutron trong não (tế bào não); có những triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích.
Động kinh được đặc trưng bởi các cơn động kinh tái phát. Thông thường một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh, nếu họ chỉ có một cơn duy nhất thì chưa gọi là động kinh.
"Động kinh không phải là một bệnh tâm thần"
Một số tình trạng nội khoa khác có thể gây ra các cơn động kinh như: co giật do sốt, do ngưng thuốc, do ngộ độc, do phản ứng dị ứng, do nhiễm trùng, do rối loạn điện giải, đường huyết,... những tình trạng này không được xem là động kinh. Thỉnh thoảng cơn động kinh không được chú ý hay có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ hay đau nửa đầu.
Bệnh động kinh xảy ra ở lứa tuổi nào? |
"Tuổi nào thường bị động kinh?
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ và đến tuổi trưởng thành có khuynh hướng giảm về cường độ và số lần xuất hiện cơn động kinh. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi. Vài nghiên cứu cho thấy người sau 60 tuổi mới bị động kinh chiếm tỷ lệ khoảng 25%.
- Mỗi người có nguy cơ khoảng 10% bị một cơn động kinh trong cuộc đời.
- Các cơn động kinh do sốt ảnh hưởng khoảng 5% trẻ dưới 5 tuổi.
- Các cơn động kinh không do sốt ảnh hưởng 4-8% dân số ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
- Tỷ lệ động kinh khoảng 0,5-0,7% dân số.
Cách xử trí:
Sống với động kinh
Người bị động kinh có thể gặp một số vấn đề về tâm lý và xã hội. Người thân và bạn bè của người bệnh thường sợ sệt, ít quan tâm hoặc quan tâm quá mức cần thiết do thiếu hiểu biết về động kinh. Điều này thường làm cho người bệnh được chăm sóc quá kỹ, làm bệnh nhân hạn chế các hoạt động sinh hoạt cần thiết.
Các vấn đề về cá nhân khác mà người bệnh có thể gặp phải là sự giận dữ, chán nản và trầm cảm.
Sự hiểu biết của cộng đồng về động kinh
Đối với nhiều người, bệnh động kinh không gây ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên thái độ tiêu cực của cộng đồng lại là yếu tố chính ảnh hưởng nặng đến đời sống của bệnh nhân. Do vậy việc thông tin và giáo dục cho cộng đồng về động kinh thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến việc loại bỏ các thành kiến của xã hội.
Những trở ngại của người động kinh
Nhiều bệnh nhân động kinh có thể làm việc được như bình thường. Điều này tùy thuộc vào sự hiểu biết về động kinh của người lãnh đạo nơi bệnh nhân làm và sự phân biệt giữa người bình thường và người bệnh.
Những học sinh bị động kinh có thể trải qua các giai đoạn phát triển và trưởng thành như bình thường. Các em có thể hoạt động như các ban cùng lứa và nên khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động sinh hoạt đều đặn ở nhà trường kể cả các môn thể thao.
Xử trí khi người bệnh co giật
- Giữ bình tĩnh
- Tránh chấn thương: để bệnh nhân nằm, tránh té, tránh vật nhọn, lửa, điện,...
- Ghi nhận khoảng thời gian bị co giật
- Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút thì gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân nhập viện ngay
- Không đặt bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân như khăn, muỗng, que, ngón tay,...vì có thể làm nghẹt đường thở của bệnh nhân
- Không giữ chặt bệnh nhân
- Khi bệnh nhân hết co giật thì để bệnh nhân nằm nghiêng một bên nhằm tránh làm tắt đường thở do bị dị vật (đàm nhớt, thức ăn, răng giả)
- Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì cho đến khi bệnh nhân tỉnh hẳn
- Sau cơn co giật, bệnh nhân thường lú lẫn, nên ở cạnh bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân tỉnh hẳn.
Lưu ý cho người bệnh
Đối với người bệnh, thường không nhận biết được khi nào cơn động kinh sẽ đến, tuy nhiên một số người có thể nhận biết được cơn động kinh sắp xảy ra, trong trường hợp này thì nên gọi cho người nhà, tìm chỗ an toàn nằm nghỉ, tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra nếu bị cơn động kinh như đang bơi, trèo cao, tiếp xúc điện, lửa,...
Trong cơn động kinh, nếu người bệnh còn biết thì cứ bình tĩnh, thông thường cơn chỉ ngắn và người bệnh sẽ về trạng thái bình thường.
Nguồn: Sở Y Tế TP Hà Nội
Phạm quốc tân Trả lời
17/07/2019Thân chào ! Tôi có con trai năm nay đã 18 tuổi, đột nhiên đang bình thường nói chuyện thì đột nhiên bị co giật mắt trợn ngược, miệng cắn chặt tím lịm người đi sùi bọt mép. Tôi ko biết cháu bị sao nữa xin bác sĩ tư vấn cho tôi .chân thành cảm ơn! Đt : 0986 186 626